Doanh nghiệp chi hàng trăm triệu USD cho phát triển bền vững
Chi hàng trăm triệu USD cho cuộc đua “xanh” không chỉ giúp các doanh nghiệp tối đa lợi nhuận mà còn có thêm danh tiếng, giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Từng đối mặt với giá nguyên liệu tăng cao trong hơn một năm qua, Công ty Bò Sữa Việt Nam – Vinamilk đã mạnh tay chi cho các mô hình phát triển bền vững. Theo đó, công ty này đã chi hơn 3.000 tỷ đồng (130 triệu USD) cho 3 trang trại Green Farm. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư và chuyển đổi 13 trang trại thông thường khác sang Green Farm để hướng đến các mục tiêu về phát triển bền vững”, đại diện Vinamilk nói.
Tại diễn đàn nhịp cầu Asean++ với chủ đề “Kết nối để phát triển bền vững” gần đây, Nestle Việt Nam cũng cho biết rất chú trọng vào nông nghiệp tuần hoàn. Theo ông Binu Jacob, CEO Nestle Việt Nam, công ty đang đồng hành cùng nông dân trồng cà phê Việt Nam chuyển đổi mô hình canh tác bền vững, tăng chất lượng cho hạt cà phê Việt và tăng thu nhập cho người nông dân.
Về hoạt động sản xuất sản phẩm xanh, năm nay công ty này đã đưa ra quy định chỉ mua hàng của nhà cung cấp chứng minh được không phá rừng để sản xuất nguyên liệu. Song song đó, công ty cũng đang tiến hành thu hồi các bao bì nhựa thay thế vào đó là các sản phẩm thân thiện hơn…
Tham gia vào cuộc đua xanh sớm hơn, ông lớn ngành bia Heineken cũng đang chuyển mình mạnh mẽ khi chi gần 400 triệu USD (khoảng hơn 9.000 tỷ đồng) để xây dựng nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á. Đây là nhà máy nằm trong kế hoạch phát triển xanh bền vững của hãng.
Chia sẻ với VnExpress, bà Holly Bostock – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam, cho rằng phát triển bền vững là tầm nhìn không chỉ của Heineken Việt Nam mà là toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là điểm đến được hãng lựa chọn để đẩy mạnh hành trình phát triển xanh.
Tại nhà máy lớn nhất Đông Nam Á này ngoài hệ thống công nghệ hiện đại, dây chuyền đóng lon nhanh nhất toàn cầu, toàn bộ năng lượng sử dụng trong nhà máy là năng lượng tái tạo. Đây cũng là nhà máy tiết kiệm nước nhất của Heineken ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Toàn bộ rác thải tại nhà máy cũng được tái chế, không chôn lấp.
“Chúng tôi có tham vọng phát triển bền vững đến năm 2025 là 100% năng lượng tái tạo, 100% cân bằng nước và không có rác thải chôn lấp”, bà Holly Bostock nói
Ngoài nhóm ngành hàng tiêu, 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp lớn trong những ngành khác như Dược Hậu Giang, Tập đoàn FPT, Chứng khoán Bản Việt, Sợi Thế Kỷ, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận,… cũng rất quan tâm phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp dù quy mô nhỏ vẫn chọn phát triển bền vững là chiến lược trọng tâm. Điển hình như GC Food, Tập đoàn Quế Lâm, Vinamit… họ đều coi trọng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ theo hướng tuần hoàn là tất yếu.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food cho biết công ty dành gần 70 tỷ đồng để đầu tư mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn khép kín trong chăn nuôi heo, bò, cừu, gà.
Tại các trang trại của công ty này, toàn bộ phụ phẩm trong nông nghiệp sẽ làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Chất thải tại trang trại được sử dụng để ủ và làm thức ăn nuôi trùn quế. Sau đó nhờ ứng dụng công nghệ sẽ chuyển hóa thành phân hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng dùng làm phân bón rất có lợi cho cây trồng và cải tạo đất, bảo vệ hệ sinh thái và con người. “Với mô hình nông nghiệp tuần hoàn, chúng tôi không chỉ mang thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng mà còn có được môi trường không phát thải”, ông Thứ nói.
Lý giải nguyên nhân đua đầu tư vào mô hình kinh doanh theo hướng phát triển xanh, bền vững, các chuyên gia cho đây là điều kiện sống còn nếu doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài. Mặt khác, nó cũng là xu hướng mà cả thế giới đang phải theo đuổi để giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), thời tiết khắc nghiệt kết hợp với đại dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc kép cho hàng triệu người vào năm qua. Năm 2021 được coi là nóng nhất bảy năm qua (kể từ 2014).
Theo ước tính của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Liên hợp quốc, trái đất đã ấm lên 1,1 độ C kể từ khi công nghiệp hóa vào thế kỷ XIX. Và nếu không có sự cải thiện, con người sẽ rơi vào tình trạng không có nước uống, thực phẩm để ăn…
Chính phủ Việt Nam cũng đang kêu gọi doanh nghiệp cùng chung tay đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050…
Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp có được danh tiếng, giảm thiểu rủi ro mà còn tối đa lợi nhuận.
Theo Mobius Capital Partners, doanh nghiệp Việt cần thúc đẩy nhanh và mạnh các yếu tố phát triển bền vững để có kết quả vượt trội so với đối thủ. Tại Mobius Capital Partners, đơn vị này cho rằng tiêu chí ESG là một phần bắt buộc trong quá trình đầu tư của họ.
Tương tự, Quỹ đầu tư VietNam Holding đã đưa các tiêu chí ESG vào quá trình phê duyệt và rà soát đầu tư…
Mặc dù các doanh nghiệp lớn đang trong cuộc đua theo đuổi mô hình phát triển bền vững, đánh giá của Mobius Capital Partners cho thấy việc chuyển mình theo hướng này không dễ. Bởi để thực hiện ESG có sự khác biệt lớn giữa các công ty vốn hóa lớn, trung bình và nhỏ. Đặc biệt, vẫn nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chưa đạt được thành công trong vấn đề cải thiện sự minh bạch và năng lực quản trị.
“Nhiều đơn vị còn xem phát triển bền vững chủ yếu là hoạt động cộng đồng, từ thiện nhưng thực tế nó đi từ chất lượng sản phẩm, nhân sự”, đai diện Mobius Capital Partners nóii.